V : “Lý tưởng không thể chết”

Tôi có một đứa em học trung học, một lần nọ cô giáo cho nó một bài tập làm văn nhỏ để làm ở nhà. Đọc đề bài xong, nó hỏi tôi : “Lý tưởng sống là gì vậy anh?”.

Vâng ! Như tất cả những câu hỏi nan giải khác, những câu hỏi “…là gì?” thường rất khó trả lời một cách chính xác, đủ nghĩa. Để cho dễ hiểu, người ta thường trả lời những câu hỏi ấy bằng cách liệt kê ra những tính chất của nó, thay vì trả lời trực tiếp bản chất của nó. Chẳng hạn, khi bạn tìm câu trả lời cho câu hỏi “tình bạn là gì?”. Bạn sẽ nhận được những câu trả lời đại loại như : “là tình cảm của một người biết quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm,…“, tất cả đều chỉ là những tính chất vốn có của tình bạn chứ không phải bản chất của tình bạn.

Và như vậy có thể nói rằng, đứa em của tôi vừa hỏi tôi một trong những câu hỏi khó nhất thế kỉ ! Vậy thực sự “lý tưởng sống” là gì? Đọc sơ qua các bài văn mẫu, các bài báo tôi thấy hầu hết các nguồn đều có chung một câu trả lời đó là “mục đích sống“. Nhưng tôi vẫn chưa thoả mãn với câu trả lời này, vì công bằng mà nói, “mục đích sống” chỉ là một trong số những tính chất của “lý tưởng sống” mà thôi. Nói cách khác, “mục đích sống” là tập con của “lý tưởng sống“. Bản thân từ “lý tưởng” (ideal) nó bao la hơn từ “mục đích” (purpose) nhiều.

Để hiểu rõ được ý nghĩa thực sự của từ “lý tưởng“, mời bạn hãy ngồi xuống và thưởng thức một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn James McTeigue : V for Vendetta (2006).

phim V for Vendetta

 

Bộ phim kể về một nhân vật tên là V, một chiến binh luôn đấu tranh cho tự do và sự thật. Bối cảnh được giả tưởng là tại một tương lai nào đó ở nước Anh, khi mà chế độ độc tài đã bao trùm lên đất nước này. Người dân mất dần đi các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thậm chí cả quyền tự do đi lại. Truyền hình, báo chí, văn học, nghệ thuật đều phải được kiểm duyệt và phải đi theo định hướng của nhà nước. Nhà nước chỉ cho dân nghe những điều mà họ muốn dân nghe, chỉ cho dân biết những điều mà họ muốn dân biết. Cả một guồng máy nhà nước đắm chìm trong bịp bợm và dối trá.

Nhà văn dùng lời nói dối để nói lên sự thật. Còn chính trị gia dùng chúng để che dấu sự thật !

Họ thao túng nhân dân bằng vũ khí sinh học, họ tạo ra một căn bệnh và phát tán nó đến hàng trăm ngàn người. Rồi sau đó tạo ra một loại thuốc độc quyền mà chỉ có họ mới có. Cũng chính nhờ những viên thuốc này mà Đảng Bảo Thủ thắng cử.

Người dân bị lừa bịp trắng trợn, nhưng dần rồi họ cũng nhận ra sự thât. Họ phẫn uất nhưng lại chấp nhận im lặng vì đa phần họ đều sợ. Họ sợ bọn chỉ điểm, sợ chúng sẽ đưa quân lính đến bắt cả gia đình đi, họ sợ cảnh ly tán, cảnh đau thương. Nhưng rồi cũng có những người dám đứng lên đấu tranh chống lại độc tài, và V là một trong số đó.

V vốn là một người đặc biệt, mang mối thù sâu đậm với bọn độc tài, luôn xuất hiện với chiếc mặt nạ Guy Fawkes trên mặt. Chiếc mặt nạ này cũng chính là thứ vũ khí tạo nên tên tuổi của bộ phim, bởi nó đại diện cho một lý tưởng. Một lý tưởng mà Guy Fawkes (đây là nhân vật có thật) đã tạo nên và cố thực hiện nó qua vụ “Âm mưu thuốc súng” năm 1605.

Hơn 400 năm sau vụ “Âm mưu thuốc súng” của Guy Fawkes, V quyết tâm thực hiện lại kế hoạch này vào ngày 5 tháng 11 – đúng ngày mà Guy Fawkes bị bắt và kế hoạch bất thành. Cũng chính vì nó mà V khẳng định : “Một người đàn ông có thể ngã xuống, có thể bị bắt, có thể bị giết chết. Nhưng 400 năm sau, lý tưởng đó vẫn có thể thay đổi cả thế giới !“.

V muốn thay đổi thế giới, muốn xóa bỏ độc tài. V muốn cho chúng ta thấy lý tưởng là bất tử, lý tưởng không thể bị giết chết. V muốn sự thật phải được phơi bày, dù sự thật có thể đau lòng đến mức nào. Sự thật sẽ khiến bạn đau, nhưng giả dối sẽ giết bạn chết !

Nhưng một lần nữa, thực sự mà nói, nếu bạn đang tìm kiếm sự tội lỗi, bạn chỉ việc nhìn vào gương.

 V được tác giả vẽ lên với quá nhiều tính cách mà một người bình thường có thể có. Anh có vẻ ngoài điên rồ và náo loạn, anh còn chất chứa cả một con quái vật bên trong mình khi cho rằng “bạo lực đôi khi được dùng với mục đích tốt” và anh sẽ tiếp tục giết người. Anh còn là hiện thân của cái thiện, anh khát khao bảo vệ cái thiện đến nỗi khi được hỏi “anh giết người vì điều gì?”, anh trả lời : “Vì Công Lý”.

V for Vendetta

Xem ra tác giả đã cố tình tạo cho V một nét “điên rồ” nhằm gợi cho khán giả thấy rõ được cái lý tưởng và quyết tâm khủng khiếp của gã. Gã có một lý tưởng điên rồ và ngạo mạn, gã muốn đánh sập những tòa nhà để làm thay đổi thế giới, gã muốn báo thù những người đã làm hại mình. Thế nhưng, ẩn chứa sâu bên trong cái lý tưởng điên rồ ấy lại là một mục đích cao đẹp : Giết chết sự độc tài.

Tác giả muốn nhấn mạnh một điều : Ai cũng nên có một lý tưởng cho đời mình, dù là người điên thì cũng phải có một lý tưởng để theo đuổi đến lúc chết. Lý tưởng có thể là những điều hết sức bình thường nhưng cũng có thể là những điều cao vời không thể tả.

Bộ phim V for Vendetta còn truyền tải đến nhiều thông điệp khác như tình yêu, sự thù hận, sự tha thứ,… mà mỗi người xem lại có một cảm nhận riêng, nhưng trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói tới một thứ mà bộ phim truyền tải tới những người trẻ như tôi : Lý tưởng.

Tới tận giây phút này, tôi vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi “lý tưởng là gì?”. Tôi chỉ biết nó là thứ gì đó rất đẹp và nó là thứ làm cho chúng ta muốn sống hơn, thế thôi !

Phong Nhiên.

Comments

comments

Like fan page của chúng tôi để cập nhật nhiều hơn : Viết Vu Vơ magazine
Phong Nhiên Tác giả:

Be First to Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *