Tôi không phải là một nhạc sĩ ! Tôi chỉ đơn thuần là một người mê âm nhạc, khi nghe nhạc tôi không chỉ thưởng thức giai điệu và ca từ của bài hát, mà tôi thường thả hồn mình vào nó, đặt mình vào vị trí của tác giả để thưởng thức cái tâm hồn của họ. Không chỉ vậy, mỗi khi nghe được một bài hát hay, tôi thường tìm hiểu nhiều thông tin về tác giả của bài hát để có thể hiểu rõ cuộc đời của họ.
Có một điều làm tôi khá bức xúc – bức xúc thay cho người nhạc sĩ, đó là hiện nay có rất nhiều người khi nghe nhạc chỉ quan tâm tới người ca sĩ, chứ chẳng ai thèm nhớ tới tên tác giả. Chẳng hạn như một số đứa bạn của tôi thường nói bài Mình yêu nhau đi là của Bích Phương trong khi bài hát ấy do Tiên Cookie sáng tác, còn Dấu Mưa của Trung Quân Idol chứ không phải Toàn Thắng sáng tác. Người thích nghe nhạc xưa thì bảo Bài Thánh ca buồn của Elvis Phương chứ không phải của nhạc sĩ Nguyễn Vũ.
Chúng ta cần phải biết và phải luôn nhớ rằng : Khi một tác phẩm được công chúng đón nhận, tác giả phải bỏ ra nhiều công sức và sự sáng tạo – chất xám cũng như cảm xúc của mình mới cho ra được một tác phẩm hoàn chỉnh. Đó là công sức của họ, chúng ta không nên phủ nhận những thành quả do họ làm ra bằng cách nói chuyện với cú pháp : <Tên bài hát>_<của>_<tên ca sĩ> đó là điều hết sức phi lý và theo tôi là hành vi phủ nhận hoàn toàn những công lao mà người nhạc sĩ mang lại.
Hãy để tôi kể cho bạn nghe một vài câu chuyện về một số nhạc sĩ mà tôi biết. Tôi sẽ không nhắc đến các nhạc sĩ lớn như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh,… vì họ đã quá lỗi lạc với những thành công mà không ai có thể phủ nhận được.
Ví dụ đầu tiên tôi muốn kể là Bài Thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Đây là một trong những bài hát mà bạn có thể nghe được ở bất kỳ nơi đâu vào mùa Giáng Sinh, và cũng là một bài tôi thích nhất vì giai điệu du dương cũng như ca từ lãng mạn của nó. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã sáng tác bài hát này khi ông mới 14 tuổi, đây là một điều làm cho tôi cảm thấy mặc cảm và ganh tị với ông bởi vì lúc tôi 14 tuổi, tôi chỉ biết chơi bắn bi với đám bạn cùng lứa ngoài đường. Ông yêu đơn phương một cô gái hơn mình 2 tuổi, ngày nào ông cũng đến nhà thờ chỉ vì muốn được nhìn cô gái ấy từ xa. Khi ấy là mùa Giáng Sinh, trời đổ mưa và cô gái ấy đứng nép vào mái hiên của một ngôi nhà để trú mưa, ông đứng cạnh đấy và nghe được đâu đó vang lên giai điệu du dương của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng. Trên nền nhạc ấy, ông đã viết lên ca khúc nổi tiếng này chỉ vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ.
Một câu chuyện nữa đó là bài Tuổi hồng thơ ngây mà nhiều người hay nói đó là bài hát của Đàm Vĩnh Hưng. Thật ra, tác giả của bài hát này vẫn là một ẩn số, một số nguồn cho rằng tác giả có tên là Sỹ Nguyễn. Nhưng hầu hết các nguồn đều ghi là khuyết danh. Có thể nói đây là một trong những bài “ruột” của giới sinh viên, đặc biệt là những người thích chơi Guitar. Nhiều nguồn cho rằng tác giả là một sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh yêu một cô gái cùng trường, thề ước đủ điều trên trời dưới biển, nhưng sau đó cô gái đi lấy chồng và thế là anh sinh viên buồn bã, sáng tác bài hát này rồi gieo mình xuống từ một tòa nhà cao tầng. Và bài hát này đã trở thành huyền thoại của giới sinh viên ngày nào, được mệnh danh là 1 trong tứ ẩm tuyệt ca.
Thêm một tác giả mà tôi muốn nhắc đến bằng tất cả sự kính trọng, đó là Châu Minh Tuấn với nickname là Khigiadn, tác giả của bài Chiều nay không có mưa bay, anh là một tay guitar, một người rất thích cover lại các bài hát bằng một giọng ca trầm ấm như thả mình vào chính bài hát ấy. Anh gặp một tai nạn giao thông và đã ra đi, để lại cho đời những ca khúc hay nhất của thế hệ trẻ này. Các bạn có thể vào kênh của anh trên Youtube để nghe vài bản cover guitar mà anh tự quay : Channel Khidadn88 Và kênh này sẽ chỉ có vài clip đó thôi, sẽ mãi mãi không còn được update nữa.
Tôi rất thích tìm hiểu các câu chuyện về các nhạc sĩ, nhờ đó tôi có thể dễ dàng đồng cảm với họ hơn, dễ dàng hòa mình vào bài hát và cảm nhận nó một cách sâu sắc nhất – như chính người nhạc sĩ cảm nhận.
Tôi muốn chúng ta – tất cả chúng ta, hãy đừng bất công với các nhạc sĩ nữa, hãy quan tâm tới họ, chính họ là những người mang lại nhiều giá trị tinh thần cho nhân loại. Hãy tôn trọng sự sáng tạo và chất xám của họ – bằng tất cả sự kính trọng !
Phong Nhiên.
Đồng cảm !